Trên thị trường có rất nhiều mô hình được mở ra với vai trò là nơi trung gian đưa sản phẩm là thuốc từ nhà sản xuất đến với người tiêu dùng (người bệnh). Các mô hình này điển hình như nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ. Hai mô hình này khá phổ biến và nó là một trong những lựa chọn vị trí làm việc của rất nhiều dược sĩ và các kỹ thuật viên trong lĩnh vực Dược học. Ngoài yếu tố trên, khi so sánh nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ cũng có một vài khía cạnh với sự khác biệt tương đối rõ ràng. Môi trường nào sẽ là lựa chọn tốt nhất cho dược sĩ và kỹ thuật viên dược? Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được câu trả lời nhé!
So sánh nhân sự, bằng cấp trong nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ
Dù là nhà thuốc bệnh viện hay nhà thuốc bán lẻ cũng đều yêu cầu có dược sĩ/kỹ thuật viên dược.
Tuy nhiên, thông thường đối với nhà thuốc bán lẻ, dược sĩ thường là chủ nhà thuốc, người đứng bán thuốc có thể là dược sĩ hoặc là người chưa chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề mà chỉ qua một vài khóa học bán thuốc cơ bản. Các kỹ thuật viên dược tại nhà thuốc bán lẻ có thể sẽ được đào tạo trong quá trình làm việc.
Trong khi đó, tại nhà thuốc bệnh viện lại có yêu cầu cao hơn về bằng cấp đối với mọi người trong mọi công việc. Người đủ điều kiện làm việc trong hiệu thuốc bệnh viện phải đảm bảo yêu cầu về bằng cấp, phải là người có chứng chỉ và giấy phép hành nghề trước khi bắt đầu vào làm tại nhà thuốc.
So sánh mức lương được nhận khi làm tại nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ
Do có sự khác nhau về bằng cấp khi làm việc tại nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ, nên mức lương nhận được khi làm việc ở 2 nhà thuốc này cũng khác nhau.
Thông thường, mức lương của nhân viên làm tại nhà thuốc bệnh viện sẽ cao hơn so với nhà thuốc bán lẻ và mức lương chênh lệch này cũng có thể lên đến 20% tùy từng trường hợp.
Bên cạnh mức lương chênh lệch đáng kể này, người đảm nhiệm công việc tại nhà thuốc bệnh viện thường sẽ được đánh giá cao hơn về trình độ, sự uy tín trong công việc so với làm tại nhà thuốc bán lẻ.
So sánh thời gian làm việc và công việc tại nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ
Khi làm việc ở nhà thuốc bệnh viện cũng có sự khác biệt về thời gian làm việc, công việc và cường độ làm việc so với nhà thuốc bán lẻ:
- Khi làm việc tại nhà thuốc bệnh viện thường sẽ làm việc theo ca, có thể có ca qua đêm, ca vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần hoặc cũng có thể bị đóng băng thời gian theo yêu cầu của bệnh viện.
- Trong khi đó, tại nhà thuốc bán lẻ, có thể sẽ mở cửa 24h/ngày nhưng đa số sẽ có những giờ nghỉ ngơi và làm việc cụ thể.
Đối với công việc, nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ đều có chung đặc điểm là chuẩn bị và phân phối thuốc đến đối tượng sử dụng, tuy nhiên:
- Cường độ làm việc ở nhà thuốc bệnh viên cao hơn đối với nhà thuốc bán lẻ.
- Nhà thuốc bệnh viện thường chuẩn bị và phân phối các loại thuốc và liệu trình điều trị nặng, trao đổi sử dụng thuốc với bác sĩ.
- Nhà thuốc bán lẻ lại thường phân phối các loại thuốc mà người bệnh có thể xử lý được, tư vấn thuốc và cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Môi trường giao tiếp trong nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ
Trong nhà thuốc bệnh viện, các dược sĩ và các kỹ thuật viên dược thường sẽ làm việc với bác sĩ hoặc y tá để tư vấn sử dụng thuốc, đồng thời trao đổi xác định liều lượng sử dụng thuốc phù hợp, và gần như không có sự tương tác với bệnh nhân.
Trong khi đó, những người làm việc ở nhà thuốc bán lẻ sẽ có sự giao tiếp, tương tác nhiều hơn. Đối tượng giao tiếp của những người làm việc trong nhà thuốc bán lẻ chủ yếu là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Ngoài ra bất cứ đối tượng nào có nhu cầu lấy thuốc và tư vấn thuốc đều là đối tượng giao tiếp với người ở hiệu thuốc bán lẻ.
Trên đây là một vài khía cạnh so sánh được giữa nhà thuốc bệnh viện và nhà thuốc bán lẻ. Tùy vào mỗi người, mỗi dược sĩ/kỹ thuật viên dược mong muốn làm việc trong môi trường như thế nào mà lựa chọn làm việc ở môi trường khác nhau. Mong những thông tin này hữu ích với bạn, giúp bạn có định hướng công việc dược tốt hơn.