Dược sĩ là gì? Vai trò, trách nhiệm, yêu cầu đối với một dược sĩ nhà thuốc gồm những gì?… Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra mặc dù đây là một trong những ngành nghề khá phổ biến hiện nay do nhu cầu sử dụng dược phẩm của người dân ngày càng cao. Để trả lời cho những thắc mắc này, chúng ta cùng theo dõi bài viết sau nhé.
Khái niệm về dược sĩ
Dược sĩ là những người thực hành nghề dược (làm công tác chuyên môn về dược hoặc hành nghề dược) trong ngành y tế. Họ cũng tham gia vào quá trình quản lý bệnh tật qua việc tối ưu hóa và theo dõi việc điều trị dùng thuốc hoặc giải thích các kết quả xét nghiệm lâm sàng, thông qua kết hợp với thầy thuốc hoặc các nhân viên y tế khác.
Hiện nay, có khá nhiều hướng đi mà một Dược sĩ có thể thực hiện như: Dược sĩ học thuật (giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học và cao đẳng), dược sĩ lâm sàng (chức năng nhiệm vụ chính là làm việc trực tiếp với bác sĩ, với các chuyên gia y tế khác và bệnh nhân), dược sĩ nhà thuốc (làm việc tại các cơ sở bán thuốc),…
Và các phần tiếp theo sẽ cho chúng ta thấy được rõ nét hơn về công việc, vai trò và nhiệm vụ của một dược sĩ nhà thuốc.
Vai trò của dược sĩ nhà thuốc
Làm việc tại nhà thuốc là công việc khá phổ biến mà các bạn sinh viên học ngành Dược lựa chọn khi vừa mới ra trường. Vậy bạn có thắc mắc câu hỏi rằng những công việc cụ thể nào mà một Dược sĩ sẽ làm khi ở nhà thuốc không? Dưới đây là ba công việc chính mà chúng ta cần tìm hiểu:
Quản lý hồ sơ
Tất cả các nhà thuốc hiện nay đều cần có một bộ hồ sơ GPP, các thông tin hướng dẫn chuẩn bị các chứng từ đều có trong quy định của Sở Y tế. Việc cập nhật các giấy tờ không nhiều nhưng khi hồ sơ nhân viên có sự thay đổi, đào tạo nhân viên hàng năm thì cần yêu cầu đổi mới các giấy tờ. Có những loại giấy tờ cần thiết thay đổi theo thời gian theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ Y tế.
Tư vấn cho khách hàng
Mỗi ngày khi làm việc tại nhà thuốc dược sĩ sẽ được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có trình độ, điều kiện kinh tế, tính cách khác nhau… Từ đó, dược sĩ có thêm nhiều kĩ năng, kinh nghiệm.
Dược sĩ có vai trò quan trọng trong việc nhận biết các triệu chứng, đưa ra các lời khuyên liên quan đến thuốc không kê đơn và đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng liên quan đến nhiều bệnh và cách thức điều trị chúng.
Dưới đây là 1 số vai trò của dược sĩ nhà thuốc khi tư vấn cho khách hàng:
- Hướng dẫn cách sử dụng thuốc, đường dùng, liều dùng, thời điểm dùng thuốc trong ngày.
- Tư vấn về tác dụng của thuốc và các phản ứng không mong muốn cũng như các cách xử trí gặp phải các tác dụng phụ.
- Các vấn đề có thể gặp phải khi phối hợp các thuốc, các chú ý khi ăn uống để tránh gặp phải tương kỵ với thuốc đang sử dụng.
- Những trường hợp, tình huống mà người bệnh cần đi gặp bác sĩ khi sử dụng thuốc.
Đặt hàng và quản lí dược phẩm
Các quầy thuốc hoặc nhà thuốc thường có những đối tác lâu năm để mua bán hoặc có thể mua Dược phẩm tại các chợ thuốc… Tuy nhiên đặc thù của mỗi nơi mà hệ thống quản lý khác nhau để có cần phải kiểm tra hạn dùng, số liệu tồn kho… đây cũng là điều không thể thiếu trong các công việc hàng ngày của dược sĩ.
Dược sĩ nhà thuốc có trách nhiệm gì?
Dược sĩ nhà thuốc là một ngành nghề liên quan trực tiếp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, khi bạn là một dược sĩ nhà thuốc bạn cần phải có đủ trình độ chuyên môn, được đào tạo để đảm bảo các kiến thức chuyên ngành để có thể tư vấn thuốc tốt nhất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, bạn cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến các thay đổi về thuốc, về các sản phẩm khác không phải thuốc trong ngành dược để có thể đảm bảo các thông tin mình cung cấp cho khách hàng là chính xác nhất.
Ngoài ra, dược sĩ nhà thuốc khi tư vấn cần có thái độ chuyên nghiệp, niềm nở để khách hàng cảm thấy thoải mái và chia sẻ về các vấn đề của bản thân, giúp công việc tư vấn diễn ra chính xác hơn.
Yêu cầu đối với dược sĩ phụ trách chuyên môn tại nhà thuốc
Ứng viên vị trí Dược sĩ cần có trình độ chuyên môn vững chắc, tập trung vào bệnh nhân và luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất trong khoa học dược phẩm. Một số yêu cầu cụ thể là:
- Cử nhân Đại học Dược hoặc tương đương.
- Kinh nghiệm làm Dược sĩ từ 1 năm trở lên.
- Chứng chỉ hành nghề Dược.
- Hiểu biết và có kiến thức vững chắc về các yêu cầu và quản lý liều lượng, các hợp chất hóa học và nhãn hiệu dược phẩm.
- Kỹ năng làm việc trên máy tính, sử dụng các ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của nhà thuốc.
- Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc khoa học.
- Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và bằng văn bản.
- Kiên nhẫn khi hướng dẫn và diễn giải cho bệnh nhân.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu về nghề dược sĩ đặc biệt là dược sĩ nhà thuốc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, đừng quên chia sẻ cho những người xung quanh nếu bạn thấy nội dung bổ ích. Hẹn gặp lại ở những bài viết tiếp theo.