Dược sĩ là gì? Công việc và vai trò của dược sĩ

Dược sĩ là gì?

Dược sĩ luôn là một trong những ngành nghề hot và nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội. Dược sĩ là gì? Dược sĩ có vai trò và công việc như thế nào? Đó là những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng nắm rõ và trả lời được một cách đầy đủ. Hãy cùng chúng tôi giải đáp các câu hỏi này và tìm hiểu về ngành Dược qua bài viết dưới đây.

 

Dược sĩ là gì?

Dược sĩ dường như đã trở thành một tên gọi không còn xa lạ đối với mọi người. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng hiểu rõ về công việc, vai trò của một người dược sĩ.

Thực chất, dược sĩ là những người làm việc, công tác ở ngành dược trong lĩnh vực y tế hay nói một cách đơn giản họ là những người làm các công việc liên quan đến thuốc. Cụ thể hơn, dược sĩ là những người đảm nhiệm việc cung cấp, theo dõi quá trình sử dụng thuốc của bệnh nhân, tham gia nghiên cứu, bào chế thuốc trong các phòng thí nghiệm hoặc họ cũng có thể là người giải thích các kết quả xét nghiệm lâm sàng để cùng với bác sĩ và các nhân viên y tế khác đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Các công việc và vai trò của dược sĩ

Nhắc đến dược sĩ người ta thường nghĩ ngay đến quầy thuốc và những người làm nghề bán thuốc. Nhưng thực tế ngành dược rộng hơn rất nhiều và những công việc của dược sĩ cũng rất đa dạng. Dưới đây là những vị trí mà dược sĩ có thể đảm nhận.

Nghiên cứu, bào chế và kiểm nghiệm thuốc

Công việc chính của dược sĩ khi làm việc ở vị trí này là nghiên cứu quy trình sản xuất, công thức, các dạng bào chế, hoạt chất mới, đồng thời tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng của nguyên liệu, sản phẩm thuốc, một quy trình sản xuất thuốc… để có thể đảm bảo đúng theo các quy trình chuẩn mực đã xây dựng sẵn cũng như các chỉ tiêu phù hợp theo quy định của Pháp luật Việt Nam.

Sản xuất thuốc

Dược sĩ tham gia sản xuất thuốc sẽ làm việc tại các nhà máy. Bạn sẽ điều hành, vận hành các máy móc trong xưởng sản xuất, kiểm tra chặt chẽ các khâu sản xuất, kết hợp với bên nghiên cứu để tìm ra cách bào chế thuốc tối ưu, tăng thời gian bảo quản, hiệu quả, độ bền của thuốc.

Dược sĩ lâm sàng

Nhiệm vụ của dược sĩ lâm sàng là hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, phối hợp cùng với bác sĩ đưa ra phương án sử dụng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, thiết kế danh mục thuốc trong bệnh viện.

Dược sĩ nhà thuốc

Công việc chủ yếu của dược sĩ nhà thuốc là cấp phát thuốc theo đơn của bác sĩ, hướng dẫn cách sử dụng thuốc về liều lượng, thời điểm, đường dùng; tư vấn về tác dụng phụ và cách xử trí khi gặp phải tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, họ còn là những nhân viên chăm sóc khách hàng, giới thiệu những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Trình dược viên

Trình dược viên hay nhà phân phối thuốc là những người phụ trách việc giới thiệu thuốc, tác dụng điều trị, cách sử dụng đến các nhà thuốc, bác sĩ và bệnh nhân nhưng chủ yếu vẫn là các nhà thuốc, phòng khám, bác sĩ vì đó là nguồn khách hàng lớn và lâu dài. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, công việc này cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt.

Marketing dược

Nếu trình dược viên là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng thì người làm marketing dược lại là những người ở phía sau, phụ trách các công việc, truyền thông, quảng cáo, thu hút khách hàng biết đến sản phẩm, hỗ trợ cho trình dược viên.

Quản lý dược

Với vị trí này, các dược sĩ có trách nhiệm đảm bảo các loại thuốc có chất lượng được lưu thông trên thị trường và sẽ làm việc ở các bộ phận quản lý thuốc như: Quản lý chất lượng thuốc (từ bên kiểm nghiệm gửi về), Cục quản lý Dược của Bộ Y tế (tuyến trung ương) hoặc Phòng quản lý ngành nghề Y Dược tư nhân, trung tâm Y tế cấp huyện, xã, phường… (tuyến địa phương)

Ngoài những công việc trên các dược sĩ cũng có thể làm chuyên viên dịch thuật chuyên ngành dược phẩm, chuyên viên đăng ký thuốc,…

Công việc của dươc sĩ
Công việc của dươc sĩ

Mức lương trung bình của dược sĩ

Mức lương ngành Dược phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Trình độ chuyên môn, bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm,… Do đó mức lương của dược sĩ rất đa dạng và có sự chênh lệch khá lớn dao động từ 4 – 20 triệu/tháng.

Mức lương khởi điểm của dược sĩ mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Còn đối với những người có nhiều kinh nghiệm hơn, mức thu nhập trung bình sẽ từ 8 – 11 triệu đồng/tháng. Đối với những dược sĩ tự mở nhà thuốc tư nhân, thu nhập của dược sĩ có thể lớn hơn, khó có thể thống kê được.

Ngoài ra, những cán bộ, công chức làm việc tại bệnh viện, lương dược sĩ được chi trả theo quy định theo bảng lương của nhà nước là 1.300.000 đồng/tháng và nhân với hệ số lương hiện hưởng. Nếu tốt nghiệp trình độ đại học thì bạn sẽ được hưởng hệ số lương 2,36. Bên cạnh đó, dược sĩ còn được hưởng đầy đủ các chế độ như tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định, bao ăn ở và mọi chi phí sinh hoạt…

Công thức tính lương cụ thể như sau:

(1.300.000 đồng/tháng x 2,36) + tiền ưu đãi ngành (40% lương) + phụ cấp với dược sĩ bệnh viện + thưởng đạt doanh số

Học gì để trở thành dược sĩ?

Để trở thành dược sĩ trong tương lai, bạn cần nắm vững các kiến thức cơ bản cũng như các kiến thức chuyên môn của ngành Dược. Tùy thuộc vào vị trí công việc, chuyên ngành khác nhau sẽ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng khác nhau nhưng tựu chung đều có thể xếp vào 2 định hướng chuyên ngành chính: Chăm sóc Dược (bao gồm các khối kiến thức: Dược lý – Dược lâm sàng; Quản lý và cung ứng thuốc); Khoa học Dược (bao gồm các khối kiến thức: Công nghiệp Dược, Kiểm nghiệm, Dược liệu, Hóa Dược và Bào chế).

  • Dược lý – Dược lâm sàng: Lĩnh vực này đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng về Sinh – Hóa học, tìm hiểu sâu về Hóa dược (tính chất vật lý, tính chất hóa học, dược học của thuốc) và Dược lý (dược động học và dược lực học của thuốc).
  • Quản lý và cung ứng thuốc: Đây là khối kiến thức về Kinh tế và Pháp luật nhiều hơn, đòi hỏi sinh viên phải nắm rõ về các chính sách pháp luật liên quan, các kiến thức về kinh tế vận dụng cho ngành Dược đồng thời phải trang bị các kỹ năng quản lý, đánh giá chất lượng của việc cung ứng thuốc.
  • Công nghiệp dược: Sinh viên được trang bị kiến thức về Hóa dược (tính chất vật lý, tính chất hóa học, dược học của thuốc) và Bào chế (thiết kế phân tử thuốc, kỹ thuật bào chế các dạng thuốc để sản xuất thuốc mới).
  • Kiểm nghiệm: Sinh viên sẽ được học các kiến thức và kỹ năng đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu, quy trình sản xuất thuốc.
  • Dược liệu: Để làm chủ được các kiến thức về Dược liệu, sinh viên cần phải hiểu về các tính chất hóa học, vật lý của các hợp chất thiên nhiên, cách phân loại, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc, động vật làm thuốc.
  • Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, các dược sĩ tương lai cũng rất cần các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng giao tiếp; tính kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ; kỹ năng tư vấn; phân tích, đánh giá, truyền đạt thông tin;…
Học gì để trở thành dược sĩ?
Cần nắm vững các kiến thức chuyên ngành Dược để trở thành dược sĩ

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành dược đặc biệt là các bạn đang có dự định theo đuổi ngành nghề này trong tương lai.

Nguyễn Quý Dưỡng

K73 Đại học Dược Hà Nội

Xem tất cả bài viết của tác giả

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được thực hiện.

Trở lại đầu trang