Thiết kế bảng hiệu nhà thuốc là yếu tố quan trọng hàng đầu, không thể thiếu khi muốn xây dựng một nhà thuốc đẹp, đạt chuẩn GPP. Bảng hiệu chính là cái đầu tiên mà người mua nhìn thấy. Một mẫu bảng hiệu quầy thuốc, nhà thuốc GPP đẹp có thể lôi cuốn người mua, giữ chân khách hàng đến với quầy thuốc của mình.
Vậy thế nào là một bảng hiệu quầy thuốc GPP đẹp? Khi thiết kế bảng hiệu cần chú ý những quy định, những lưu ý gì? Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
Các quy định về biển hiệu quầy thuốc đạt chuẩn GPP
Một biển hiệu của bất cứ một cơ sở kinh doanh nào cũng phải tuân theo quy định của pháp luật [1]Điều 34 Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH, mẫu bảng hiệu quầy thuốc cũng cần tuân theo một số quy định dưới đây.
Biển hiệu phải có các nội dung sau:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).
- Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Địa chỉ, điện thoại.
Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ đúng quy định.
Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Các quy định về nội dung ghi trên bảng hiệu
Ngoài các quy định về bảng hiệu đã nêu trên, nội dung và cách trình bày trên bảng hiệu cũng cần đáp ứng đúng theo quy định[2]Phụ lục 1-A thông tư số 09-BYT/TT:
- Tên nhà thuốc: Ghi rõ ràng tên nhà thuốc theo hồ sơ đã đăng ký với Sở Y tế.
- Phạm vi kinh doanh: Ghi rõ chỉ bán lẻ thuốc (cần ghi rõ nếu có pha chế thuốc theo đơn).
- Tên dược sĩ – chủ nhà thuốc: Ghi đủ họ, tên đệm, tên.
- Số đăng ký của nhà thuốc do Sở Y tế cấp.
- Địa chỉ nhà thuốc: Ghi rõ số nhà, đường phố, thành phố (thị xã) hoặc xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố).
- Số điện thoại (nếu có)
Một số lưu ý khi thiết kế bảng hiệu quầy thuốc
Bên cạnh việc tuân theo các quy định của pháp luật, để thiết kế một bảng hiệu quầy thuốc GPP đẹp, gây ấn tượng và thu hút được khách hàng, các chủ quầy thuốc cũng cần xem xét một số yêu cầu sau.
Màu sắc
Màu sắc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên một bảng hiệu quầy thuốc đẹp. Sử dụng tông màu tươi sáng, nổi bật, tinh tế giúp nhà thuốc nhanh chóng lấy được thiện cảm của khách hàng, kích thích khách hàng vào mua sản phẩm của mình. Ba màu sắc chủ đạo thường được ưu tiên sử dụng khi thiết kế bảng hiệu nhà thuốc:
- Màu trắng: Đây là tông màu cơ bản trong ngành Y, nó tượng trưng cho sự tinh khiết, sạch sẽ, tươi tắn đem lại cảm giác an toàn, tin tưởng cho người mua hàng.
- Màu xanh lá: Đây là màu sắc tượng trưng cho thiên nhiên, sự phát triển, sinh sôi, nảy nở, thể hiện nhiệt huyết, hy vọng. Đồng thời nó cũng là màu sắc làm dịu lòng người, giúp khách hàng có cảm giác yên bình, an tâm.
- Màu xanh da trời: Màu xanh da trời thể hiện sự trung thành, đáng tin cậy, đem đến một cảm giác tươi mát, dễ chịu, giúp người nhìn cảm thấy bình tĩnh, giảm stress, thoải mái, yên tĩnh.
Font chữ
Chữ xuất hiện trên biển quảng cáo nhà thuốc chính là những thông tin cần thiết các chủ nhà thuốc muốn gửi gắm tới khách hàng của mình. Do đó để người mua có thể đọc, hiểu, nắm bắt thông tin ghi trên biển một cách dễ dàng, chúng ta nên lựa chọn những font chữ đơn giản, rõ ràng, dễ đọc. Không nên làm nổi bật bằng cách sử dụng những font chữ cầu kì, uốn lượn gây nhức mắt, khó chịu cho người nhìn.
Chất liệu
Hiện nay, có rất nhiều loại chất liệu khác nhau có thể sử dụng để làm bảng hiệu quầy thuốc tùy thuộc vào vị trí, không gian, nhu cầu và kinh phí của các chủ nhà thuốc như: aluminum, mica, fomex, hiflex,…
- Chất liệu aluminum: Đối với những quầy thuốc có không gian rộng, diện tích lớn thì chất liệu aluminum chính là lựa chọn hàng đầu, vừa tạo cảm giác thân thuộc cho khách hàng, vừa giúp tiết kiệm chi phí do có giá cả phải chăng.
- Chất liệu mica: Mica là chất liệu có độ bền cao và đẹp hơn so với các vật liệu khác. Chúng giúp tạo độ sáng bóng và sang trọng, tạo sự tin tưởng cho khách hàng, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- Chất liệu fomex: Tuy chất liệu này không đẹp và tạo được độ sáng bóng như mica nhưng nó lại giúp tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời fomex cũng có độ bền và khả năng chịu nhiệt tốt. Do đó, chất liệu fomex cũng là một sự lựa chọn không tồi.
- Chất liệu hiflex: Có thể nói hiflex là một trong những chất liệu có giá cả rẻ nhất đồng thời hiflex cũng có độ bền, độ co giãn và chịu nhiệt tốt, lắp đặt dễ dàng nên chúng cũng thường được sử dụng khi làm biển quảng cáo nhà thuốc đặc biệt khi kinh phí mở nhà thuốc của bạn còn hạn hẹp.
- Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng bảng hiệu điện tử, đèn led để thu hút sự chú ý của khách hàng tốt hơn so với các loại biển quảng cáo khác đặc biệt là vào ban đêm. Những bảng hiệu này mang phong cách hiện đại, đẹp mắt, sang trọng, phù hợp với mọi không gian, thời gian và là một lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, chúng lại có chi phí lớn do đó không phù hợp với những nhà thuốc có kinh phí thấp.
Một số mẫu bảng hiệu quầy thuốc đẹp
Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích về thiết kế bảng hiệu quầy thuốc đạt chuẩn GPP. Mong rằng các bạn có thể lựa chọn được mẫu biển quảng cáo nhà thuốc phù hợp, ưng ý và ấn tượng.
Chú thích & tham khảo
↑1 | Điều 34 Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH |
---|---|
↑2 | Phụ lục 1-A thông tư số 09-BYT/TT |