Hiện nay, khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Do đó, nghề bán thuốc tây ngày càng được ưa chuộng do có mức thu nhập ổn định. Vậy bạn có thắc mắc bán thuốc tây học ngành gì? Thời gian bao lâu? Nơi nào đào tạo chất lượng? Chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn thông qua bài viết dưới đây.
Bán thuốc tây học ngành gì? Học bao lâu?
Để trở thành nhân viên bán thuốc tây bạn cần phải có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học Dược hoặc chứng chỉ hành nghề Dược. Vậy để có được bằng Trung cấp Dược bạn phải học gì? Học bao lâu?
Muốn có bằng trung cấp dược sĩ, bạn phải đăng ký học tại các trường Y tế hoặc các trung tâm dạy nghề có liên kết với các trường đại học – cao đẳng về Y Dược.
Thời gian đào tạo trung cấp dược sĩ:
- Trường hợp đã tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS): Mất từ ba đến bốn năm học đối với chương trình được thiết kế cho học sinh đã có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương (THCS)
- Với trường hợp đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT): Thời gian là 2 năm học đối với chương trình được thiết kế cho học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (THPT)
- Với những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời có chứng chỉ về giáo dục nghề nghiệp cùng nhóm ngành, nghề có thời gian đào tạo từ một năm trở lên hoặc đã có bằng tốt nghiệp khác ngành đào tạo từ trình độ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên thì thời gian đào tạo là 1,5 năm
Sau khi tốt nghiệp và được cấp bằng Trung cấp dược sĩ bạn sẽ có cơ hội học chuyển tiếp lên Cao đẳng rồi Đại học để lấy bằng Đại học dược sĩ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy chế tuyển sinh, đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế.
Đối với những người muốn tự mình kinh doanh và mở nhà thuốc thì phải đạt được những yêu cầu sau:
- Mở quầy thuốc tây: Chủ quầy thuốc phải có bằng Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngành Dược và phải có 18 tháng thực hành chuyên môn.
- Mở nhà thuốc tây: Chủ nhà thuốc phải có bằng Đại học ngành Dược và 24 tháng thực hành chuyên môn.
Một số trường đào tạo ngành dược
Ngành Dược là ngành học mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi sự học tập nghiêm túc, tính hướng nghiệp đúng đắn. Dưới đây là danh sách các cơ sở chất lượng đào tạo ngành Dược tốt nhất hiện nay:
Ở khu vực miền Bắc
- Đại học Dược Hà Nội
- Khoa Y Dược – Đại học Quốc Gia Hà Nội
- Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam
- Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên
Ở khu vực miền Trung
- Đại học Y khoa Vinh
- Đại học Y Dược – Đại học Huế
- Khoa Y Dược – Đại học Đà Nẵng
Ở khu vực miền Nam
- Khoa Y – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Trà Vinh
- Đại học Y Dược Cần Thơ
Đối với các thí sinh có học lực trung bình khá hoặc khá, không có khả năng thi đỗ đại học dược thì việc lựa chọn xét tuyển Cao đẳng Dược chính quy là một lựa chọn sáng suốt. Theo quy chế tuyển sinh hiện nay, thí sinh chỉ cần đảm bảo điều kiện đỗ tốt nghiệp THPT là đáp ứng được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hệ cao đẳng.
Bán thuốc tây có giàu không? Cơ hội và thách thức trong nghề bán thuốc tây
Bán thuốc tây có giàu không?
Khi kinh doanh bất cứ một mặt hàng nào, điều tất nhiên mà mọi người đều quan tâm là phải có lời. Kinh doanh hiệu thuốc tây cũng vậy, câu hỏi “Bán thuốc tây có giàu không?” là thắc mắc của bất kỳ ai. Tuy nhiên rất khó để trả lời cho câu hỏi: “Bán thuốc tây có giàu không?” bởi cơ bản, việc kinh doanh một ngành nghề, một sản phẩm gì, lời lỗ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó là chiến lược, kế hoạch, hướng kinh doanh rõ ràng, việc tối ưu các chi phí, khả năng quản lý, vận hành nhà thuốc,… Mặc dù vậy, thị trường dược phẩm vẫn được nhận định là một thị trường “màu mỡ”, giàu tiềm năng, có cơ hội mang lại lợi nhuận cao.
Nghề bán thuốc tây có những cơ hội và thách thức gì?
Cơ hội
- Cơ hội về tài chính: Người bán thuốc có thể có thu nhập rất tốt từ công việc này nếu họ biết cách lập kế hoạch, chủ động trong công việc. Ban đầu có thể mức lương chưa cao nhưng nếu tích cực, cố gắng, lôi kéo khách hàng trở thành khách quen của mình thì cơ hội có thêm thu nhập là điều tất nhiên.
- Cơ hội phát triển bản thân: Trong công việc, để bán được sản phẩm, người làm nghề bán thuốc cần không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm thường xuyên. Các kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, nắm bắt tâm lý khách hàng,… sẽ được trau dồi khi bạn phải tiếp xúc với nhiều người khi làm việc. Cùng với đó, bạn cũng có cơ hội rèn luyện lòng kiên nhẫn, chịu được áp lực công việc.
- Cơ hội tạo dựng các mối quan hệ: Do có cơ hội gặp mặt và giao tiếp với nhiều người trong xã hội, mối quan hệ ngày càng mở rộng, khi đó cơ hội việc làm của bạn lại ngày càng cao.
Thách thức
- Sự căng thẳng, bối rối: Khi gặp phải những vị khách khó tính, đòi hỏi quá nhiều hoặc nhiều trường hợp khách hàng chỉ uống 1 – 2 ngày chưa khỏi đã đến “bắt đền” nhà thuốc.
- Nhiều áp lực trong công việc: Nghề bán thuốc tây liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người do đó đòi hỏi người làm nghề phải có đầy đủ kiến thức, có tâm với nghề.
- Làm việc không kể thời gian: Người bán thuốc phải có trách nhiệm cắt thuốc cho khách bất cứ lúc nào họ cần đến, có khi là 2 – 3 giờ sáng. Đó là đạo đức nghề nghiệp mà mỗi người bán thuốc cần có.
- Không có ngày nghỉ cuối tuần: Thứ bảy và chủ nhật, người bán thuốc sẽ không được nghỉ, thậm chí đó còn là ngày họ phải làm việc cật lực nhất do lượng khách hàng đến vào thứ bảy, chủ nhật thường nhiều hơn các ngày khác trong tuần.